Cách trồng và chăm sóc hoa hồng ngoại cho hoa nở đẹp nhất
Hoa hồng ngoại là loài hoa được nhiều người yêu thích nhờ cánh hoa to, dày và mang hương thơm đặc trưng. Đây là dòng hoa thuộc giống ngoại nên muốn hoa phát triển tốt tại Việt Nam thì đòi hỏi người trồng phải am hiểu về kỹ thuật gieo trồng và cách chăm sóc hoa hồng ngoại. Trong bài viết này, LC Global chia sẻ về cách trồng và chăm sóc hoa hồng ngoại trong chậu sao cho sai hoa và hoa nở đẹp nhất.
Hoa hồng ngoại có trồng được ở Việt Nam không?
Rất nhiều người thắc mắc: “Hoa hồng ngoại có trồng được ở Việt Nam không?”. Câu trả lời là có. Các giống hoa hồng ngoại khi đưa về được thuần hóa và thích nghi với khí hậu nhiệt đới, đảm bảo cho hoa liên tục, bông to, đẹp và giữ được 90% đặc tính của cây so với khi trồng ở nước xuất xứ.
Phân loại hoa hồng ngoại trên thị trường hiện nay
Hoa hồng ngoại trên thị trường hiện nay có nhiều loại. Mỗi loại sẽ có nhiều giống hoa khác nhau. Cụ thể như:
- Hoa hồng leo: Gồm hoa hồng leo cổ Hải Phòng, Soeur, Mon, Spirit, Pompadour, Bishop’s, Golden, Tường Vi, Red Fairy, Ngỗng Tuyết, Kate, Vineyard Song, Rainy Blue, Society, Carey, Corail, Abraham…
- Hoa hồng bụi: Gồm hoa hồng Juliet, Masora, Catalina, Lafont, Shell, Aoi, Kordes, Cổ Quế, Double Delight, Red Intuition, Blue Sky, Jane Green, Bạch Hồ, Đào Cỏ, Bạch Xếp,…
- Hoa hồng dáng tree: Gồm hoa hồng tree cổ Sapa, tree Đào Cổ, tree Bạch Xếp, tree Lafont, tree Bạch Ho, tree Royal, tree vàng Pháp, Sheherazad,…
Hướng dẫn cách chăm sóc hoa hồng ngoại trong chậu khi mới mua về
Mới mua hoa về, trước khi tiến hành trồng bạn phải biết cách chăm sóc chúng cho tốt. Cách chăm sóc hồng ngoại như sau:
- Ánh sáng: Hoa hồng là loài cây ưa nắng, nên sau khi mua về bạn phải phơi nắng cho cây khoảng từ 6 đến 8 giờ trong một ngày. Khi tiếp nhận đủ ánh nắng thì cây sẽ tránh được một số bệnh về sau như: nhện đỏ, vàng lá, nấm lá.
- Cắt tỉa cành: Sau khi mua hoa hồng ngoại về, bạn nên cắt bỏ lá vàng để cây đâm chồi và phát triển tốt hơn.
- Tưới nước: Hoa hồng ngoại rất ưa nắng nhưng bạn cũng phải tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm cần thiết cho đất, giúp cây phát triển tốt. Tốt nhất, bạn nên tưới 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều vào mùa hè. Mùa mưa thì chỉ tưới khi nào trời nắng gắt và quan sát lỗ thoát nước của cây.
- Cung cấp dinh dưỡng: Đất của những chậu hoa hồng ngoại hoặc giống cây mới mua về rất ít chất dinh dưỡng, cho nên bạn cần bón phân thêm vào chậu để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây.
Cách trồng và chăm sóc hoa hồng ngoại trong chậu
Để hoa hồng ngoại sai hoa và cho hoa đẹp thì bạn hãy tham khảo cách trồng và chăm sóc hoa hồng ngoại trong chậu theo hướng dẫn sau.
Chọn hướng nắng
Trước khi trồng cây hoa hồng ở vị trí nào, bạn cần quan sát và chọn nơi có ánh nắng Mặt Trời để đáp ứng đủ điều kiện sống, giúp cây phát triển, đâm chồi, nở hoa đẹp và hạn chế mắc bệnh.
Lưu ý: Tránh chọn nơi có ánh nắng quá gắt hoặc thiếu ánh sáng.
Tưới nước
Bạn nên tưới nước cho cây hoa hồng bằng vòi phun nhẹ vào buổi sáng. Nếu trời nắng gắt thì tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều để không bị héo.
Lưu ý: Khi tưới vào buổi chiều, bạn nên tưới sớm khoảng từ 4 – 5 giờ để nước không còn ướt lá và nụ hoa dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển.
Giá thể trồng và phân bón
Giá thể trồng
Giá thể trồng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cây phát triển tốt. Nếu bạn trồng hoa trong chậu thì chọn loại chậu có kích cỡ to, phù hợp với gốc, tán cây và đủ lỗ thoát nước.
Giá thể trồng nên đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, nhẹ, tơi xốp, giữ ẩm tốt và sạch nấm. Bạn có thể tìm mua giá thể trồng hoa hồng tại LC Global.
➤ Chi tiết: Cách trộn giá thể trồng hoa hồng
Phân bón
Bạn nên kết hợp phân bón lá và gốc xen kẽ mỗi tháng 1 lần.Khi cây ra ngọn, lá non thì bón bổ sung phân Dynamic quanh gốc rồi tưới nước, giúp cây hấp thu tốt chất dinh dưỡng, pha phân NPK tưới lên lá, thân và gốc. Lúc cây mới nhú nụ hoa, bạn bón thêm phân kali thì hoa sẽ có màu sắc đặc trưng, đậm đà. Nhưng lưu ý, lúc cây ra hoa không tưới phân vì sẽ làm hỏng hoa.
Cắt tỉa cành
Cắt tỉa cành hoa hồng nhằm mục đích loại bỏ cành cây yếu, lá đã già, giảm sâu bệnh. Bên cạnh đó, còn giúp cải thiện lưu thông không khí, giúp cây thông thoáng và kích thích sự tăng trưởng, nở hoa mới, định hình cho cây đẹp và cân đối.
Bạn có thể cắt tỉa thường xuyên cho cây hoặc sau khi hoa tàn để giữ dáng cho cây, ngăn cây tạo quả. Đồng thời bạn có thể cắt tỉa đồng loạt giúp cây tái tạo lại và ra hoa đồng loạt.
Dấu hiệu nhận biết cây hoa hồng bị bệnh và cách điều trị
Ngoài việc biết cách trồng và chăm sóc hoa hồng ngoại, bạn phải biết một số bệnh thường gặp ở cây hoa hồng. Dưới đây là một số bệnh và cách điều trị:
Bọ trĩ
Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ khoảng 1mm nên rất khó để bạn thấy chúng bằng mắt thường. Do đó, để nhận biết cây hoa hồng bị bệnh do bọ trĩ gây ra, bạn chỉ cần dựa vào những dấu hiệu sau: bông hoa nhỏ, cánh bị dị dạng, màu hoa nhạt, hoa nở không đều, cuống hoa teo tóp, rễ bị thối, cánh hoa bị cháy đen. Các đọt non bị quăn queo, lá xoăn lại, mép lá bị dị dạng, chồi non bị thâm đen, trên bề mặt lá xuất hiện những quầng đen loang lổ màu nâu đồng.
Cách điều trị:
- Đầu tiên là đảm bảo mật độ khi trồng để hạn chế bọ trĩ xuất hiện và lây lan. Tốt nhất, bạn nên trồng cây hoa hồng ở khoảng cách từ 0,5 – 1m (tùy vào kích thước của cây) để đảm bảo cây phát triển tốt.
- Thường xuyên cắt tỉa cành để tạo sự thông thoáng cho cây.
- Phun thuốc loại trừ bọ trĩ.
Bệnh phấn trắng
Đây cũng là một trong những bệnh thường gặp ở cây hoa hồng.
Dấu hiệu nhận biết: Vết bệnh có dạng phấn màu trắng, xuất hiện trên lá non, lá bánh tẻ, chồi hoa và bông, cây có nụ ít, hoa không nở.
Cách điều trị:
- Cắt tỉa nụ, hoa, lá bị bệnh.
- Bón phân cho cây định kỳ: Bạn có thể sử dụng các loại thuốc như: Map Super 300, NATIO 750WG,.
Bệnh đốm đen
Vết bệnh có dạng hình tròn, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường phá hoại trên lá bánh tẻ, ở 2 mặt lá làm lá dễ bị vàng và rụng.
Cách điều trị:
- Cắt bỏ những lá, cành có xuất hiện vết bệnh.
- Phun thuốc Anvil, Topsin M,…
Bệnh gỉ sắt
Bệnh này thường xuất hiện trên cây hoa hồng dạng gỉ sắt hoặc màu vàng da cam, hình thành ở mặt dưới lá, lá dễ bị cháy khô, rụng và hoa nhỏ.
Cách điều trị:
- Cắt tỉa bỏ hết những cành, lá bị bệnh.
- Phun thuốc Nativo 750WG hoặc Anvil 5SC
➤ Xem ngay: Nguyên nhân và cách khắc phục cây bị vàng lá
Lưu ý: Trong quá trình phun thuốc, bạn nên phun cả mặt trên và mặt dưới của lá, đồng thời phun ướt hết toàn thân để hạn chế sự lây lan.
Trên đây là những chia sẻ về cách trồng và chăm sóc hoa hồng ngoại giúp cây ra hoa đẹp. Hy vọng bạn có thêm kiến thức hữu ích để sở hữu vườn hoa hồng đẹp, tô điểm cho không gian sống của mình.